Những chiêu trò trong mua bán nhà đất, nếu không tỉnh táo và lường trước, người mua dễ rơi vào tình cảnh “mất trắng” vì các chiêu thức lừa đảo tinh vi như giả giấy tờ, dàn dựng kịch bản, chim mồi…
Sử dụng giấy tờ giả
Hình thức lừa đảo phổ biến nhất là dùng giấy tờ giả. Kẻ gian sẽ đóng giả làm người mua nhà, nhắm đến các BĐS có giá trị cao, tiếp cận con mồi thông qua môi giới hoặc các trang đăng tin, rao bán. Sau khi đến xem nhà, kẻ gian sẽ đòi xem sổ đỏ/sổ hồng và sử dụng các chiêu thức dàn dựng tinh vi để làm giả, đánh tráo sổ giả lấy sổ thật để mang đi giao dịch kiếm lời. Điều này lý giải tại sao nhiều người bỗng dưng nhận được tin nhà mình bị bán, trong khi sổ đỏ vẫn nằm trong két.
Lừa bán nhà đất đang bị kê biên
Đây là trường hợp người mua mua phải nhà đất đang bị kê khai tài sản của người đang bị thi hành án. Những người này tìm đủ mọi cách để bán tháo nhà đang bị kê biên trong khoảng thời gian chờ thi hành án. Trường hợp này dù cho người mua có được sang tên sổ đỏ có dấu công chứng đàng hoàng thì theo quy định của pháp luật căn nhà vừa mua sẽ vẫn bị kê biên.
Nếu người bán có tài sản khác thì sẽ kê biên từ tài sản đó, nhưng thường đã rơi vào những trường hợp như này thì người bán chỉ có 1 mục đích duy nhất là lấy tiền mặt để tẩu tán tài sản. Sau đấy là một hồi kiện cáo dai dẳng mà người mua sẽ mất nhiều hơn được.
Lừa bán đất nông nghiệp, hứa hẹn lên thổ cư
Nhiều người tích cóp cả đời được 1 số tiền nho nhỏ để mua 1 miếng đất to to nhưng không có hoặc ít kinh nghiệm. Đây là đối tượng hay bị môi giới lừa mua đất trồng cây/ trồng lúa với giá cao ngất ngưởng cùng hứa hẹn để rồi sau đó ngoài việc nằm đợi thì tương lai chuyển đổi mục đích vẫn chỉ là dấu hỏi.
Lừa đảo bán đất qua vi bằng
Người mua nên nhớ rằng, mua bán/ chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vi bằng chỉ có giá trị ghi nhận sự kiện đã xảy ra chứ không có giá trị pháp lý thay thế hợp đồng chuyển nhượng có công chứng. Kẻ gian sẽ lập lờ đánh tráo hai khái niệm này với nhau bằng những cụm từ như “vi bằng công chứng thừa phát lại” hay “công chứng thừa phát lại” để lừa những người mua nhà kém hiểu biết.
Hiệu ứng chim mồi
Đây là chiêu trò đánh vào tâm lý người mua lo sợ bỏ lỡ mất cơ hội kiếm lời. Chủ nhà hoặc cò đất sẽ dàn cảnh cho nhiều người giả làm người mua để đẩy giá lên cao hoặc hối thúc bạn đặt cọc. Có hai trường hợp:
1) Bạn mua nhà thật, nhưng phải trả thêm vài trăm triệu do “chim mồi” đẩy giá nhà lên cao.
2) “chim mồi” được cài vào giả làm người mua sẵn sàng chốt cọc, tâm lý đám đông tác động vào người mua và mua phải dự án “ma”.
Dù trường hợp 1 hay 2 thì bạn đều mất tiền “oan” cả, khác ở chỗ trường hợp 1 thì bạn vẫn có nhà, còn trường hợp 2 thì bị mất trắng.
Nhiều cổ một tròng
Kẻ gian thường rao bán 1 căn nhà hoặc 1 lô đất chưa có giấy tờ như: đang làm thủ tục chuyển đổi, ra sổ, đợi đền bù… với giá cực thấp cho nhiều người ham rẻ hoặc nhẹ dạ cả tin. Vi chưa có giấy tờ nên giao dịch không thể công chứng, hầu hết các giao dịch được thực hiện trên giấy tờ viết tay, và đây chính là bẫy.
Người mua nên nhớ, giấy tờ mua bán nhà đất không qua công chứng thì sẽ bị coi là vô hiệu. Khi xảy ra chuyện muốn kiện cáo cũng rất khó, mà lúc đó thì kẻ gian đã ôm mớ tiền cọc cao chạy xa bay rồi.
Lừa chuyển nhượng NOXH từ người không đủ điều kiện
Theo quy định, người mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng căn nhà trong thời gian 5 năm tính từ thời điểm tất toán số tiền mua cho chủ đầu tư.
Để “lách” luật, nhiều chủ sở hữu nhà ở xã hội đã làm giấy tờ tay, nhận 95% số tiền chuyển nhượng từ người mua nhưng … hứa 5 năm sau mới tiến hành công chứng sang tên rồi nhận 5% còn lại.
Nhiều người thu nhập thấp nên phải chấp nhận mua nhà theo phương thức đầy rủi ro này. Trường hợp không may, khi thanh tra xét duyệt lại hồ sơ, phát hiện chủ nhà cũ không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thì căn nhà sẽ có nguy cơ bị thu hồi. Lúc đó, người mua cuối sẽ chịu nhiều thiệt thòi.
“Hồn Trương Ba da hàng thịt”
Chiêu trò này có 2 loại. Thứ nhất là giả ngân hàng thanh lý tài sản với giá rẻ bất ngờ. Thứ hai là giả chủ đầu tư uy tín để bán các dự án ma, hoặc lừa đảo chiếm đoạt tiền cọc từ chính dự án mà chủ đầu tư đó đang rao bán với giá rẻ hơn. Do vậy, người mua cần giữ một cái đầu lạnh và cẩn thận với những thông tin bán đất với giá thấp bất ngờ so với thị trường, không nên “nhắm mắt đưa chân” theo những lời có cánh của đối tượng xấu.
Vậy, làm thế nào để mua bán nhà đất an toàn?
Một là, kiểm tra thật kỹ quy hoạch sử dụng đất trước khi mua bán. Bạn có thể kiểm tra trực tiếp trong sổ đỏ, lên uỷ ban/Sở TNMT/văn phòng đăng ký đất đai, hoặc tra cứu online trên các trang website trực tuyến.
Hai là, đảm bảo sổ đỏ chính chủ, thông tin trên sổ trùng khớp với CMND/CCCD, sổ hổ khẩu hoặc thậm chí là giấy đăng ký kết hôn của chủ nhà. Tuyệt đối không tin vào hình ảnh gửi chat qua lại. Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất và các giấy tờ liên quan cần có dấu đỏ của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Bạn có thể mang sổ đến văn phòng công chứng xác minh thật giả.
Ba là, hãy khảo sát thực tế và trực tiếp ngôi nhà/mảnh đất bạn định mua, hỏi thăm hàng xóm xung quanh xem có điều gì bất thường không. Đi cùng người có kinh nghiệm xem nhà đất để có cái nhìn toàn diện nhất.
Bốn là, không đặt cọc với số tiền quá cao. Người mua chỉ nên đặt cọc khoảng 10-15% giá trị mảnh đất/ngôi nhà mà bạn định mua.
Năm là, đọc kỹ hợp đồng đặt cọc/mua bán và đừng ngại ngần nhờ luật sư tư vấn nếu có bất kỳ vướng măc nào với hợp đồng.
Sáu là, không thanh toán khi hợp đồng đặt cọc/mua bán chưa được công chứng.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN:
Quy định thủ tục làm sổ đỏ mới người dân cần biết
Các loại giấy tờ cần kiểm tra kỹ trước khi mua/bán nhà đất
Để được mua nhà ở xã hội cần những giấy tờ gì?
Cẩm nang mua căn hộ chung cư để ở
Ngân hàng thanh lý – Liệu có phải hàng ngon?
Lưu ý khi ký Hợp đồng mua bán với chủ đầu tư
Cách thức tách thửa phân lô bán đất nền
Các sản phẩm Bất động sản cho nhà đầu tư và ưu nhược điểm
Dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản
Nhà đầu tư Bất động sản và môi giới: Ai cần ai?
Các mô hình hoạt động của sàn phân phối bất động sản
Lợi & hại của “mua nhà không đồng”, “nhà đổi nhà” như nào?