Chiêu thức lừa đảo của Luyện Alibaba và các “trùm lừa”

Cùng một công thức nhưng bằng nhiều hình thức biến tấu khác nhau, Nguyễn Thái Luyện Alibaba và các “trùm lừa” dưới danh nghĩa công ty, cá nhân đã vẽ ra các dự án đất nền không có thật để lừa đảo khách hàng.

“Trùm lừa” Nguyễn Thái Luyện Alibaba

Luyện Alibaba với 5 bước lừa đảo tinh vi

Trong kết luận mới nhất của Công an TP.HCM về vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Alibaba đã hé lộ chiêu bài mà “trùm lừa” này đã giăng ra để thu về khoản tiền hơn 2.500 tỉ đồng từ 4.130 khách hàng sập bẫy.

Cụ thể, quá trình lừa đảo của Luyện được thực hiện qua 5 bước như sau:

Bước 1, Luyện dùng một phần tiền cá nhân và phần lớn tiền chiếm đoạt được từ khách hàng, chỉ đạo người thân, nhân viên thân tín thuộc Công ty Alibaba đứng tên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với số lượng lớn, tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận.

Bước 2, Luyện cho người thân, nhân viên Công ty Alibaba đã đứng tên nhận chuyển nhượng đất như trên, lập hợp đồng ủy quyền cho các pháp nhân do Luyện tổ chức thành lập, để các công ty này vẽ dự án phân lô, tách thửa trái quy định.

Bước 3, sau khi nhận được ủy quyền từ các cá nhân, các pháp nhân nêu trên với tư cách là chủ đầu tư đã tự vẽ dự án không có thật trên nền đất nông nghiệp, phân lô (tách thửa chỉ từ 100m² đến dưới 400m² trái quy định, có ghi rõ đất thổ cư, thời hạn sử dụng lâu dài…) dùng truyền thông để quảng cáo bán sản phẩm, không thực hiện các thủ tục theo quy định pháp luật về việc lập dự án, đăng ký với cơ quan quản lý đất đai để chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc tách thửa.

Bước 4, Luyện tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư ký hợp đồng hợp tác kinh doanh phân phối bán đất nền trong dự án (tự vẽ) với Công ty Alibaba để Công ty Alibaba trở thành đại lý phân phối đất nền cho các khách hàng, nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của các dự án nêu trên, đồng thời tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng là các dự án có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng theo Luật kinh doanh Bất động sản mà đồng ý mua.

Bước 5, sau khi khách hàng đồng ý mua, theo sự quảng cáo của Công ty Alibaba thì Luyện chỉ đạo các pháp nhân đứng tên nêu trên ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng, nhưng tiền được nộp về Công ty Alibaba để Luyện quản lý, sử dụng.

Với 5 bước đi trên cùng những cam kết lợi nhuận khủng khi mua đất nền, Nguyễn Thái Luyện đã xây dựng nên đế chế địa ốc Alibaba từng “làm mưa, làm gió” khắp thị trường đất nền các tỉnh từ Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận.

Doanh nghiệp được thành lập năm 2016 với nhân sự chỉ 4 người chỉ sau vài năm đã sở hữu số vốn điều lệ điều lệ 5.600 tỉ, số lượng nhân sự cũng đạt con số 2.506 người. Số sản phẩm đất nền được công ty này triển khai cũng ghi nhận 28.868 sản phẩm.

Phải đến tháng 9/2019, đế chế lừa đảo Alibaba mới chính thức sụp đổ ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm CEO Công ty cổ phần địa ốc Alibaba về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Và hàng loạt “trùm lừa đảo” với các chiêu thức khác

Không quá đình đám như Alibaba của Nguyễn Thái Luyện, nhưng hàng loạt vụ lừa đảo nhà đất với chiêu thức tương tự vẫn đang diễn ra khắp nơi khiến hàng nghìn người rơi vào cảnh trắng tay. Thời gian qua ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…những vụ lừa đảo mua bán đất nền liên tục được phanh phui.

Đặc điểm chung của những đối tượng này là đều thâu gom đất nông nghiệp quy mô lớn. Sau đó, dù chưa xin phép lập dự án, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt đã tự ý vẽ dự án rồi cho quảng cáo rầm rộ trên truyền thông. Để tạo niềm tin cho người mua, họ tự ý san lấp xây dựng một số hạ tầng cơ bản như đường nội khu, điện nước. Trong các đợt mở bán liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, bốc thăm trúng thưởng, cam kết lợi nhuận cao…để đánh vào tâm lý ham rẻ của khách hàng.

Trong năm 2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã bắt giam Nguyễn Thị Diệu Thúy (36 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM), Giám đốc Công ty Tiên Phong Land, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, từ năm 2018, bà Thúy đã nhận chuyển nhượng một lô đất có diện tích 2.462m2 tại quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức).

Phần lớn diện tích lô đất là đất nông nghiệp, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa lập thủ tục xin thành lập dự án. Tuy nhiên, thông qua một công ty liên kết bà Thuý đã phân lô khu đất và bán cho 22 khách hàng chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng.

Gần đây nhất, một vụ lừa đảo nhà đất do Hoàng Thị Kiều Trang (31 tuổi) cầm đầu ở Đồng Nai khiến dư luận sững sờ bởi mức độ tinh vi của nhóm lừa đảo. Cụ thể, biết bà N ở TP.HCM đang có nhu cầu tìm mua một thửa đất ở phường Thống Nhất, thành phố Biên Hoà nhóm của Trang ngay lập tức tiếp cận. Ngay sau khi tìm hiểu thông tin về thửa đất Trang liền thuê người làm giả Giấy chứng nhận cho thửa đất trên, làm giả CMND, sổ hộ khẩu mang tên chủ đất (do Trang đóng giả).

Tiếp đến đối tượng Hoàng Thị Kiều Trang mở tài khoản ngân hàng mới. Thậm chí thuê cả một căn nhà để làm văn phòng công chứng, làm con dấu giả rồi sắp xếp người trong nhóm đóng giả công chứng viên. Sau đó, Trang dẫn bà N đến văn phòng công chứng này để thực hiện giao dịch với các bản hợp đồng được làm giả tỉ mỉ. Sau khi công chứng, tin tưởng đã mua được đất bà N liền chuyển khoản tiền 4 tỉ đồng cho Trang.

Nhóm Trang sau khi chiếm được tiền đã tiêu huỷ giấy tờ và bỏ trốn. Tuy nhiên, những đối tượng này sau đó đã bị Công an Đồng Nai bắt giữ điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những chiêu lừa đảo như của Alibaba hay nhiều vụ khác đều không mới vì đã diễn ra rất nhiều trên thị trường. Những công ty này tận dụng sự thiếu thông tin và lòng tham của người mua để tung ra các hình thức cam kết hấp dẫn. Kinh nghiệm đi mua đất dạng này là luôn cẩn trọng với những lời hứa chắc như đinh đóng cột rằng 3 – 6 tháng nữa sẽ có sổ. Cách tốt nhất là người mua tự tìm hiểu thông tin, kiểm tra quy hoạch của địa phương và hướng dẫn của người có kinh nghiệm không nên đầu tư theo kiểu đám đông.

DANH SÁCH 8 DỰ ÁN BỊ TỐ CÁO TẠI TP.HCM 2020:

1. Dự án nhà ở xã hội Lê Minh Bộ Công An

Ngày 3/12, UBND quận 12, TP.HCM, cho biết UBND phường Tân Thới Nhất vừa phát đi thông báo cảnh báo người dân về việc mua bán căn hộ có dấu hiệu lừa đảo tại đường Phan Văn Hớn (phường Tân Thới Nhất, quận 12).

Theo đó, mới đây, UBND phường Tân Thới Nhất có nắm được thông tin một sàn giao dịch bất động sản tổ chức giới thiệu cho khách hàng về “Dự án căn hộ nhà ở xã hội Lê Minh Bộ Công an quận 12” có vị trí tại đường Phan Văn Hớn.

Dự án giới thiệu xây dựng trên khu đất 25.787m2 có quy mô 4 block cao 15 tầng, tổng số hơn 1.500 căn hộ có diện tích từ 45 – 97m2. Giá bán căn hộ nhà ở xa hội khoảng 21 triệu đồng/m2, căn hộ thương mại từ 27 triệu đồng/m2.

Qua kiểm tra, rà soát UBND phường Tân Thới Nhất xác định hiện nay trên địa bàn không có dự án căn hộ nhà ở xã hội nào của Công ty Lê Minh được triển khai.

2. Dự án khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu

Công ty TNHH Đầu tư Tiên Phong Land cùng Công ty CP Đầu tư bất động sản Eagle Land hợp tác tự lập dự án với tên gọi “Khu dân cư Gò Cát mới – Phú Hữu, Quận 9” và tổ chức rao bán. Thực chất, khu đất này thuộc thửa đất số 692, 695, 701 tờ bản đồ số 06 và thửa đất số 437 tờ bản đồ số 3 địa chỉ phường Phú Hữu, quận 9. Trong đó, có tổng diện tích 2.462m2, trong đó 2.015m2 đất lúa, 324m2 đất ao.

2 công ty đã phối hợp với nhau ký hợp đồng chuyển nhượng cho 22 khách hàng, nhận và chiếm đoạt tổng cộng gần 41,5 tỷ đồng.

Sau khi thu được tiền, Công ty Eagle Land và Công ty Tiên Phong Land không chuyển nhượng được đất, không phân lô tách thửa, không thực hiện được dự án và cũng không có đất để bàn giao cho khách hàng theo các hợp đồng chuyển nhượng đã ký. Tiền thu của khách hàng cũng không hoàn trả.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM và UBND quận 9, hiện nay không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nộp hồ sơ xin thành lập dự án Khu dân cư mới Gò Cát – Phú Hữu, quận 9, cũng như làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng của các thửa đất nêu trên.

3. Dự án King Home

Tháng 2/2020, Công ty CP King Home Land bị nhiều khách hàng tố cáo lừa đảo khi bán đất nền “ma” tại các dự án King Home 2 (quận 12), King Home 4 (quận 9), King City Long Thành (Long Thành, Đồng Nai)…

Những dự án “ma” của công ty này đã bị cơ quan chức năng của quận 9, quận 12 phát đi các thông báo cảnh báo đến người dân để không bị lừa. Theo UBND quận 9, dự án King Home 4 trên thực tế là thửa đất 527, tờ bản đồ số 21 ở phường Long Trường.

Tuy nhiên, khu đất này chưa được cơ quan chức năng phê duyệt dự án, phương án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, chưa thực hiện việc tách thửa và nghĩa vụ thuế nhưng công ty đã tự ý vẽ dự án bán và thu tiền hàng loạt khách hàng.

4. Dự án Hưng Phú Center

Tháng 4/2020, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiến hành kiểm tra, xác minh tố giác liên quan đến Công ty TNHH Đầu tư HC Land bán đất nền dự án không có thật. Trước đó, khách hàng và công ty cùng ký kết hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc dự án Hưng Phú Center, khu 4, TT.Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Theo nội dung hợp đồng đã ký kết, công ty bán cho khách hàng lô đất có mã sản phẩm D2-06 diện tích 86,9m2, loại đất thổ cư với giá 959 triệu đồng. Thực hiện theo nội dung hợp đồng, khách hàng đã đóng 659 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ được thanh toán theo kỳ ghi trên hợp đồng.

Sau thời gian dài chờ đợi, khách hàng đề nghị giao đất và thực hiện các nội dung theo hợp đồng đã ký nhưng công ty này không thực hiện và có dấu hiệu lẩn tránh. Theo UBND huyện Cần Đước thì trên địa bàn không có dự án nào mang tên Hưng Phú Center được chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết xây dựng do cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, quyết định phê duyệt.

5. Dự án Lega Fashion

Tháng 9/2020, UBND quận 10, TP.HCM đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan nhằm thông tin cho người dân được biết về tính pháp lý của khu đất số 502 (số cũ 106) đường Ba Tháng Hai, phường 14, quận 10.

Theo đó, trên trang mạng xã hội facebook đã đăng một số thông tin liên quan đến quảng cáo khai trương Dự án đất nền nhà phố – mặt tiền đường Ba Tháng Hai quận 10, trong đó có đính kèm hình ảnh khu đất tại số 502 với các nội dung “Khai trương Dự án đất nền nhà phố – mặt tiền đường Ba Tháng Hai quận 10 – Giá chỉ từ 55tr/m2; Cuộc sống xanh giữa lòng đô thị; Cơ hội đầu tư sinh lời cực cao – an cư lạc nghiệp cực tốt; mở bán 1 đợt duy nhất 50 nền; Sổ hồng riêng – hỗ trợ thủ tục công chứng sang tên sổ” để giới thiệu, quảng cáo, rao bán sản phẩm đất nền cho các nhà đầu tư.

Qua công tác kiểm tra, UBND quận 10 cho biết chưa nhận được pháp lý để triển khai dự án đất nền mặt tiền tại khu đất nói trên.

Khu đất này căn cứ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty CP Giầy da và May mặc xuất khẩu LEGAMEX sử dụng vào mục đích đất cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2000 khu dân cư phường 14, quận 10 thì khu đất có ký hiệu C4 là đất thương mại dịch vụ.

Về dự án ma, tháng 8/2020, UBND quận 10 cũng cảnh báo về việc trên địa bàn có dự án nhà ở tại số 332 Tô Hiến Thành, phường 14, do Công ty CP Thương mại đầu tư VIMEC làm chủ đầu tư, diện tích 1,498ha, văn bản chấp thuận đầu tư của UBND quận 10 đã hết hạn thực hiện năm 2016. Như vậy về mặt pháp lý thì dự án này hầu như không thể được đem ra giao dịch.

6. Dự án Khu dân cư Tân Tạo

Cuối tháng 10, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Đội 8 – PC03) Công an TP.HCM, đơn vị đã tiến hành bắt Giám đốc Công ty TNHH MTV Kinh doanh nhà Năm Tài (có trụ sở ở 633 Trần Văn Giàu, quận Bình Tân) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên danh nghĩa làm chủ đầu tư, công ty lập dự án ma tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM và bán cho khách hàng. Dù chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, cấp phép đầu tư dự án, nhưng công ty đã tự thuê lập bản vẽ, phân thành 119 nền đất (mỗi nền trung bình 70m2) rồi ký với khách hàng 6 hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng 17 nền đất, với giá trị chuyển nhượng hơn 58 tỷ đồng và đã nhận hơn 31 tỷ đồng.

Để khách hàng tin tưởng và ký hợp đồng, công ty này còn lập các biểu mẫu hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng, góp vốn (nhưng bản chất là hợp đồng chuyển nhượng nền đất) với nội dung không có thật.

Thực chất, các lô đất này thuộc quy hoạch cây xanh cách ly, đường dự phòng, đất cây xanh tập trung và thuộc ranh dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội Khu trung tâm dân cư Tân Tạo (Khu A) của Công ty TNHH MTV đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc.

7. Năm dự án khu dân cư

Cũng trong tháng 10, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiến hành bắt Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Bất động sản Phát An Gia (Công ty Phát An Gia) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Dù chưa có giấy phép đầu tư xây dựng dự án, phê duyệt chủ trương cũng như không cấp phép đầu tư xây dựng dự án khu dân cư tại các thửa đất (thửa 718, diện tích 1.083 m2 và thửa 719 diện tích 1.938 m2; thửa 720 diện tích 2.893,7 m2) thế nhưng Công ty Phát An Gia đã tự đặt tên dự án, lập bảng quảng cáo, bảng vẽ phân thành 193 nền đất để ký hợp đồng chuyển nhượng 91 nền cho 80 khách hàng, lừa đảo 100 tỷ đồng.

Các dự án mà công ty này vẽ ra gồm: Dự án khu dân cư Central House Đường 4; dự án khu dân cư Đường 8; dự án khu dân cư Trường Lưu; khu dân cư Long Phước (272 Trường Lưu); dự án khu dân cư Võ Văn Hát.

8. Dự án Civitas Linh Đông

Cũng trong tháng 11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định truy nã bị can đối với Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Việt Homes (có trụ sở tại quận 1) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Việt Homes đã quảng cáo, đưa ra các thông tin gian dối về pháp lý thửa đất số 75, tờ bản đồ 41, tọa lạc tại số 770 Kha Vạn Cân (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) đang được tiến hành lập dự án tên gọi Civitas Linh Đông.

Với các mánh khóe làm thủ tục chia lô, tách thửa để khách hàng tin và ký hợp đồng chuyển tiền mua đất nền, Giám đốc công ty này đã chiếm đoạt một số lượng lớn tiền của các khách hàng rồi bỏ trốn.

Ngoài ra, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Nam Việt Homes còn thực hiện dự án tên gọi Heart Land Tân Hóa trên thửa đất 530 đến 538, tờ bản đồ số 7 tọa lạc tại (Kênh Tân Hóa – Nguyễn Trọng Quyển, thuộc phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú).

Trên đây là danh sách những dự án ma bị khách hàng tố cáo lên cơ quan chính quyền và còn nhiều dự án khác chưa  đủ pháp lý triển khai nhưng vẫn được rao bán,

Ngoài ra còn kể đến năng lực và uy tín của chủ đầu tư như  trường hợp  Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Khương Điền đã sử dụng pháp nhân của công ty Khương Điền và Công ty TNHH Đầu tư phát triển nhà Phúc Phát Điền rao bán “dự án ma” để ký nhiều hợp đồng mua bán đất nền với các cá nhân sau đó chiếm đoạt tài sản hay Công ty Địa ốc Khang Gia là chủ đầu tư chung cư Khang Gia Chánh Hưng tại số 59 đường 16, quận 8. Trịnh Minh Thanh với vai trò đứng đầu công ty đã bán căn hộ số 12B tầng 5 không có thật cho bà Trần Thị Kim Liên và chiếm đoạt trên 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, cùng căn hộ số 10, tầng 7, sau khi bán cho bà Lê Thị Xuân Hà, Công ty Địa ốc Khang Gia tiếp tục bán cho ông Phan Nhất Hải, chiếm đoạt số tiền 984 triệu đồng…

Meyreal.com Theo Alocanhosg.com


BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Chân dung chủ đầu tư CityLand

Tập đoàn Masterise Group: Đế chế BĐS hùng mạnh

Chân dung môi giới bất động sản chân chính

Danh sách dự án Chủ đầu tư Masterise Homes

Thông tin địa chỉ Khu đô thị Vinhomes trên toàn quốc

Review dự án Vinhomes Grand Park Thủ Đức

Chủ đầu tư Khang Điền – Những cột mốc phát triển

Giới thiệu chủ đầu tư Vinhomes

Giới thiệu chủ đầu tư Masterise Homes

Giới thiệu chủ đầu tư Sunshine Homes – Sunshine Group

Shop VinWonders Phú Quốc United Center Vingroup

VINHOMES PRIORITY – THÔNG TIN & QUY TRÌNH MUA NHÀ 0 ĐỒNG

[Tuyển dụng – Việc làm] Nhân viên Kinh doanh Bất động sản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • Liên hệ bộ phận kinh doanh