Hồ sơ Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Hồ sơ doanh nhân Trương Mỹ Lan, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với khối tài sản khổng lồ cùng hàng loạt bất động sản có vị trí đắc địa tại các khu đất vàng TP HCM. Bà Trương Mỹ Lan và VTP Group cũng được cho là thế lực “khủng” và rất kín tiếng.

Cùng tìm hiểu về tiểu sử bà Trương Mỹ Lan cùng gia tộc họ Trương và tập đoàn Vạn Thịnh Phát

Tiểu sử và gia đình bà Trương Mỹ Lan

Trương Mỹ Lan (còn có tên gọi khác là Trương Muội) sinh năm 1956, là nữ doanh nhân người Việt gốc Hoa giàu có Việt Nam. Hiện bà Lan là Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp đang sở hữu nhiều khu đất vàng tại TP.HCM.

Chồng bà là Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân bất động sản ở Hong Kong.

Vợ chồng bà Trương Mỹ Lan có hai người con gái là Chu Duyệt Hằng (sinh năm 1994) và Chu Duyệt Phấn (sinh năm 1995). Trong hai người, Chu Duyệt Hằng xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn.

Chu Duyệt Hằng từng theo học Đại học Hong Kong ngành Hành chính công. Nhưng với niềm đam mê ẩm thực, cô chuyển hướng kinh doanh nhà hàng thông qua việc thành lập ZS Hospitality Group và giữ chức Chủ tịch HĐQT khi mới 22 tuổi.

Công ty này đặt trụ sở ở Hong Kong và sở hữu chuỗi 5 thương hiệu nhà hàng châu Á gồm: Ying Jee Club, Whey, Hansik Goo, J.A.M, Miss Lee.

Về Chu Duyệt Phấn, cô hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần bảo trợ tập đoàn Vạn Thịnh Phát, doanh nghiệp vừa ủng hộ 1.450 tỉ đồng cho Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19.

Trước đó, năm 2015, Công ty cổ phần Minerva của Chu Duyệt Phấn là một trong ba cổ đông sáng lập sở hữu 80% cổ phần, đã thâu tóm căn biệt thự cổ tại ba mặt đường Nguyễn Thị Diệu, Bà Huyện Thanh Quan và Võ Văn Tần với giá trị 35 triệu USD (khoảng 805 tỉ đồng).

Ngoài bà Lan, gia tộc họ Trương còn hai doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực bất động sản là bố bà – Trương Chí Trung và cháu bà – Trương Huệ Vân. Hiện cả hai đều nắm một lượng cổ phần tại Vạn Thịnh Phát.

Trương Huệ Vân (sinh năm 1988) là doanh nhân thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, được công chúng biết đến là bà xã của ca sĩ Thanh Bùi.

Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan nổi danh với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Sự nghiệp bà Trương Mỹ Lan và gia tộc

Thông tin từ South China Morning Post cho biết bà Lan gặp ông Eric Chu Nap Kee năm 16 tuổi – khi đó bà đang kinh doanh mỹ phẩm, còn ông Kee là doanh nhân Hồng Kông chuyên buôn kẹp tóc. Họ lấy nhau và bắt đầu kinh doanh.

– Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát hoạt động trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau đó, Vạn Thịnh Phát mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Group) là công ty tư nhân hoạt động trên lĩnh vực bất động sản lớn nhất Việt Nam. VTP Group thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương, chủ tịch là bà Trương Mỹ Lan.

– Năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng được thành lập, trong đó bà Lan sở hữu 80% vốn.

Hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát

“Hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát còn có một số doanh nghiệp liên quan như CTCP Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng, trong đó Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát góp 41% và bà Lan nắm 15%,Công ty CP Đầu tư An Đông (vốn đăng ký 9.000 tỷ đồng – Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát góp 20%), Công ty CP Đầu tư Times Square Việt Nam (Vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng, thuộc sở hữu của ông Chu Nap Kee Eric – chồng bà Trương Mỹ Lan) và Công ty CP Tập Đoàn Sài Gòn Peninsula (vốn đăng ký 18.000 tỷ đồng).

– Nữ đại gia Trương Mỹ Lan có sở thích “thâu tóm” các dự án quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại khu vực này, Vạn Thịnh Phát đã có trong tay một loạt dự án như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton…

– Tập đoàn Vạn Thịnh Phát luôn khiến thị trường địa ốc “sốc” với những thông tin thâu tóm đất vàng, tạo lập các siêu dự án. Bà Lan và Vạn Thịnh Phát một thời gian là tâm điểm của dư luận khi doanh nghiệp do bà lãnh đạo chi 10.000 tỷ đồng để mua lại tòa tháp Vincom Centre A (TP.HCM), sau đó đổi tên thành Union Square.

– Năm 2015, Công ty CP đầu tư An Đông của bà Trương Mỹ Lan mua lại dự án Thuận Kiều Plaza với giá gần 700 tỷ đồng, tuy nhiên chủ đầu tư mới chỉ sơn phết lại 3 tòa tháp từ màu hồng trắng sang màu xanh lá cây, sửa chữa lại phần trung tâm thương mại bên dưới và đổi tên dự án từ Thuận Kiều Plaza thành The Garden Mall.

Ma trận doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát

Theo bản kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT-Bộ Công an, Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát (Hệ sinh thái VTP) được xây dựng và hoạt động theo mô hình Công ty CP Tập đoàn VTP (Tập đoàn VTP) giữ vai trò trung tâm, nắm giữ Cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các Công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có khoảng 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước. Nhóm này được chia thành nhiều tầng lớp, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật hoặc là người có quan hệ họ hàng, cán bộ, công nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Sở hữu ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn

– Ngoài bất động sản Bà Lan và Vạn Thịnh Phát được cho nhóm cổ đông chính đang sở hữu ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Ngân hàng SCB hiện có vốn điều lệ lên đến 20.231 tỷ đồng, với tổng tài sản 508.954 tỉ đồng, tính đến 31.12.2018.

Đây là ngân hàng thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu theo hình tức hợp nhất 3 ngân hàng yếu kém gồm ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và ngân hàng SCB vào cuối năm 2011.

Khi hợp nhất, SCB đã có thay đổi lớn khi các vị trí chủ chốt tại HĐQT, Ban Tổng giám đốc được nắm giữ bởi đại diện nhóm cổ đông lớn đến từ Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú…

– Mặc dù ít có hoạt động truyền thông trên các mặt báo, nhưng Vạn thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan rất thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động xã hội do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức, phát động. Năm 2018, Bà Trương Mỹ Lan đã quyết định tài trợ số tiền hơn 450 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng lại Bệnh viện An Bình với hình thức tài trợ không điều kiện, không hoàn lại.

Mới đây VTP đã cho TP.HCM sử dụng 3 tòa nhà bỏ hoang này để làm bệnh viện dã chiến chữa bệnh nhân bị mắc Covid.

Tập đoàn VTP Group của bà Trương Mỹ Lan cũng công bố tài trợ gần 2.000 tỷ đồng cho TPHCM mua vaccine và các hoạt động chống dịch. Trong đó tập đoàn này sẽ dành 1000 tỷ để mua 5 triệu liều vaccine của Sinopharm – Trung Quốc cho TP.HCM.

Những lùm xùm liên quan đến Trương Mỹ Lan

– Năm 2006, một số báo chí nhận được đơn của ông Ted Sioeng (quốc tịch Indonesia), tố cáo bà Trương Mỹ Lan cùng chồng là ông Chu Nap Kee Eric (quốc tịch Anh).

Nội dung đơn nêu rõ, bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Thịnh Phát) đã lợi dụng chính sách đầu tư của Việt Nam, lừa dối ông Ted Sioeng trong việc hợp tác đầu tư dự án An Đông Plaza tại quận 5 và khu căn hộ 127 Pasteur tại quận 3, TP HCM. Ông Ted Sioeng đã chuyển vào các tài khoản cho bà Mỹ Lan tổng cộng 6 triệu USD. Tiền đã nhận đủ, song bà Mỹ Lan đã không thực hiện những điều cam kết theo hợp đồng…Vụ việc sau đó được hai bên tự thỏa thuận giải quyết.

– Bà Lan cũng bị dính đến cáo buộc hối lộ Phạm Quý Ngọ: Có mặt tại phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, với tư cách là một nhân chứng, Dương Chí Dũng khai đã nhận của bà Lan 20 tỷ đồng (1 triệu USD) để chuyển cho Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an liên quan đến việc đưa hối lộ để “lót tay” cho việc chuyển đổi công năng mục đích sử dụng khu đất Cảng Nhà Rồng- Khánh Hội (quận 4, TP.HCM) sau khi Cảng Sài Gòn di dời.

– Có tên trong hồ sơ Panama: “Hồ sơ Panama” là vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới, tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực chuyển tiền ra nước ngoài từ năm 1977 cho tới cuối tháng 12/2015. Theo dữ liệu được công bố hồi tháng 5/2016 từ Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), một số nhân vật trong “Hồ sơ Panama” có tên giống với tên lãnh đạo của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát như Truong My Lan và Chu Nap Kee Eric.

– Giữa năm 2014, bà Trương Mỹ Lan cùng Trương Lập Hưng, Trương Mễ, Trương Huệ Nhi, Trương Chí Trung, Ngô Thanh Nhã, Trương Lập Tân, Trương Huệ Vân, Trương Lập Phát và Lâm Thị Hoà đồng loạt xin thôi quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đến tháng 6/2015 bà Trương Mỹ Lan cùng 9 thành viên khác trong gia đình đã rút hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và được trả hồ sơ.

“Là người Hoa ở hải ngoại nên chúng tôi rất mong có thể giới thiệu những công ty Trung Quốc có chất lượng và mô hình kinh doanh đặc sắc như CMIG đến với Việt Nam, làm cầu nối cho “Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative – BRI)) tại các nước Asean trên cơ sở mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi”,

Vợ chồng doanh nhân Chu Nap Kee Eric – Trương Mỹ Lan nói tại buổi làm việc với Tập đoàn đầu tư dân sinh Trung Quốc (China Minsheng Investment Group, viết tắt: CMIG) tại Thượng Hải vào hạ tuần tháng 10/2016.

Khởi tố và bắt tạm giam bà Trương Mỹ Lan

Ngày 07/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan; đồng thời, ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Trương Mỹ Lan và 03 bị can đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Meyreal.com


BÀI VIẾT LIÊN QUAN:

Lịch sử pháp lý khu phức hợp Sài Gòn – Ba Son

Tập đoàn Masterise Group: Đế chế BĐS hùng mạnh

Chân dung chủ đầu tư CityLand – Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành phố

Review dự án Vinhomes Grand Park Thủ Đức

Chủ đầu tư Khang Điền – Những cột mốc phát triển

Những câu nói vĩ đại về Bất động sản của các vĩ nhân

Lược sử thị trường và doanh nghiệp Bất động sản Việt Nam

Các mô hình hoạt động của sàn phân phối bất động sản

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ bộ phận kinh doanh
  • Liên hệ bộ phận kinh doanh