Xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh là có cơ sở, cần thiết và cần sớm triển khai thực hiện để hình thành trung tâm tài chính phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho đất nước…
Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng trường trực Trương Hoà Bình tại cuộc họp về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, Phó Thủ tướng đánh giá, việc nghiên cứu, lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh là có cơ sở, cần thiết và cần sớm triển khai thực hiện để hình thành trung tâm tài chính phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án theo nhiệm vụ được giao tại văn bản số 2726/VPCP-KTTH ngày 22 tháng 4 năm 2021 của Văn phòng Chính phủ.
“ Nghiên cứu, làm rõ nội hàm trung tâm tài chính hiện đại, cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn khách quan về phát triển kinh tế – xã hội, nhu cầu của nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, kết nối, liên kết phát triển sản xuất kinh doanh, các loại hình thương mại, dịch vụ… hiện đại trong thời đại kinh tế số để xác định rõ thành phố Hồ Chí Minh hội đủ, đáp ứng các điều kiện để xây dựng và hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo chủ trương của Đảng.
Đồng thời rà soát khung khổ pháp lý, thể chế, chính sách liên quan đến hình thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế để đề xuất cấp thẩm quyền bổ sung, ban hành mới. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tham gia, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh để chủ động đề xuất các cơ chế vượt trội, thông thoáng để thu hút nhà đầu tư theo đúng chủ trương đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII xác định”, thông báo kết luận nêu rõ.
Cùng với đó, thành phố Hồ Chí Minh cũng cần nghiên cứu, xác định quy mô của trung tâm tài chính hiện đại phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, tập trung vào 03 nội dung đột phát về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
TP.HCM cần xác định: Thể chế là nội dung quan trọng, cần đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ, công khai, công bằng, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, nhất là về các lĩnh vực liên quan đến tài chính, ngân hàng, đất đai, thuế, bảo hiểm, xuất nhập cảnh, cơ chế xử lý tranh chấp, cơ chế trọng tài, tòa án và pháp luật áp dụng…; Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ về giao thông, đất đai, quy hoạch, phát triển công nghệ thông tin với lộ trình, quy mô phù hợp, tính đến cả tầm nhìn phát triển dài hạn; Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua phát triển đồng bộ các trường đại học, viện nghiên cứu… đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Vậy nên, cần nghiên cứu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, có khả năng kết nối với các tập đoàn tài chính, các quỹ, các nhà đầu tư lớn trên thế giới để tham gia trong quá trình lập Đề án và đầu tư vào trung tâm tài chính theo quy định pháp luật trong tương lai; nghiên cứu các bài học thành công trong việc phát triển và vận hành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý: Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao để nắm bắt cơ hội xây dựng trung tâm tài chính khu vực, hướng tới là trung tâm tài chính quốc tế. Trong đó tập trung tạo sự đồng thuận và ủng hộ xã hội; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình tổ chức thực hiện, những vấn đề phát sinh.
TP.HCM là đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam. Thành phố đóng góp 22,3% GDP, chiếm 26,6% ngân sách quốc gia, thu hút 33,8% số dự án FDI của cả nước. Thành phố là nơi ra đời thị trường chứng khoán của Việt Nam và hạ tầng tài chính vẫn còn nhiều tiềm năng với hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính trung gian, các quỹ đầu tư, công ty tài chính, công ty chứng khoán… đóng góp vai trò quan trọng không chỉ cho kinh tế TP.HCM mà còn cho cả nước.
Ngay trong định hướng phát triển vùng TP.HCM của Chính phủ cũng nhấn mạnh, TP.HCM là đô thị hạt nhân, trung tâm trên mọi lĩnh vực mang tầm quốc tế.
Trong trung hạn, sẽ định hướng tầm cỡ khu vực. Bước đầu, trung tâm tài chính tại TP.HCM có thể đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia lân cận đang chuyển đổi và phát triển nhanh như Lào, Campuchia, Myanmar hay Brunei là nước giàu nhưng chưa có thị trường tài chính phát triển. Tiếp đó, trung tâm có thể hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính không chỉ cho các nước trong ASEAN.
Trong dài hạn, trung tâm tài chính tại TP.HCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, các tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà cả khu vực và toàn cầu.