Trong lúc thị trường rơi vào khó khăn, việc quy đổi trái phiếu doanh nghiệp sang sản phẩm Bất động sản là giải pháp giúp doanh nghiệp giảm áp lực đáo hạn hạn, nhà đầu tư cũng hưởng lợi khi nhận về sản phẩm BĐS với giá mua được chiết khấu cao.
Khi dòng tiền của doanh nghiệp BĐS gặp khó, áp lực đáo hạn tăng cao, thay vì mua lại trái phiếu phát hành, thanh toán tiền cho trái chủ, nhiều doanh nghiệp phát hành mời chào nhà đầu tư đổi sang sản phẩm bất động sản với mức chiết khấu 40-50%.
Doanh nghiêp mời chào đổi trái phiếu sang BĐS, Cổ Phiếu
Thời gian gần đây, trong lúc dòng tiền của doanh nghiệp gặp khó, thay vì mua lại trái phiếu phát hành, thanh toán tiền cho trái chủ, nhiều doanh nghiệp phát hành khuyến khích nhà đầu tư đổi sang sản phẩm bất động sản hoặc cổ phiếu.
Thực tế cho thấy, trên nhiều hội nhóm về trái phiếu, nhân viên kinh doanh tại một số doanh nghiệp bất động sản rầm rộ đăng tải thông tin việc hỗ trợ hoán đổi trái phiếu sang bất động sản với mức chiết khấu 40-50% giá bán dành cho trái chủ.
Thị trường cũng đã ghi nhận nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành trái phiếu như: Chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp sang sản phẩm bất động sản, cổ phiếu, gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới, chuyển đổi thành khoản vay dài hạn với lãi suất mới… với các điều kiện hấp dẫn
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của thị trường bất động sản nói chung, hạn mức tín dụng tại các tổ chức tín dụng cũng bị thắt chặt hơn, cùng các khoản thu bị chậm nên dẫn đến ảnh hưởng dòng tiền của doanh nghiệp. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã tích cực mua lại trái phiếu trước hạn nhưng áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn đối với nhiều doanh nghiệp bất động sản trong khoảng hai năm tới vẫn duy trì đáng kể.
Áp lực đáo hạn trái phiếu lên doanh nghiệp BĐS
Trái phiếu bất động sản hiện là tâm điểm của thị trường hiện nay. Tính đến hết tháng 10, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô 445 nghìn tỷ đồng, tức chiếm gần 34% trong tổng trong tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đang lưu hành và chiếm gần 50% tổng giá trị trái phiếu của các tổ chức doanh nghiệp phi tài chính đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng. Nhưng láp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể trong năm 2023 với hơn 119.000 tỷ và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng.
Chuyển đổi trái phiếu – Đôi bên cùng có lợi
Đối với doanh nghiệp, việc quy đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản hay cổ phiếu sẽ giúp doanh nghiệp giảm được áp lực về dòng tiền trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Đối với nhà đầu tư, việc chuyển đổi trái phiếu sẽ mang lại cơ hội mua sản phẩm tốt hơn và an toàn về tài sản khi tài sản hiện hữu là BĐS chứ không còn là trên giấy. Tuy nhiên, việc này sẽ phụ thuộc vào quan điểm, tính lâu dài và tùy sản phẩm.
* Việc hoán đổi trái phiếu sang nhà, đất ở các dự án mà họ đang phát triển hoặc áp dụng chính sách tương đương là được phép, hợp pháp, hợp lệ và không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên nhà đầu tư cũng cần lưu ý về pháp lý của sản phẩm bất động sản đó ra sao, ở giai đoạn nào. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến tiến độ triển khai thế nào và dự kiến khi nào có giá trị sử dụng/giá trị thương mại.